[Review] Frozen II – Câu chuyện của sự trả giá tội lỗi trong quá khứ

FROZEN 2

Người ta hay nói phim Disney hay đoạt giải Oscar chỉ vì Oscar là giải ao làng, rằng người Tây khó cảm thụ cái tinh hoa của hoạt hình Châu Á. Thế nhưng xem qua bao nhiêu phim của Ghibli hay Shinkai Makoto, tôi chỉ có thể càng thấm vì sao những phim của Disney có thể dễ dàng chiếm cảm tình của các giám khảo Oscar. Cách làm của phim Nhật ẩn khuất, tinh tế tới mức khuất dạng trong những chi tiết quá nhỏ, hay mang đậm những ý nghĩa chỉ có thấm bởi người Nhật và hay mang tính bi quan.

Trong khi đó, phim Disney lại khác. Xem Frozen II, tôi càng nhớ tới phong cách làm phim hoạt hình của họ: đơn giản, hài hước, âm nhạc và hình ảnh hòa làm một và tôn lên nội dung của phim. Ý nghĩa hoạt hình Disney vẫn nói về những thứ ai cũng có thể hiểu, không thâm sâu nhưng lại khiến người khác chợt bừng tỉnh khỏi một bóng ma luôn ẩn khuất trong tâm hồn, chẳng hạn như về ám ảnh quá khứ của một con người trong Frozen II.

“Xin chào bóng tối, ta sẵn sàng đầu hàng trước ngươi rồi đây”
– Anna

Đúng như đạo diễn series Frozen, Jennifer từng bảo: “Đây là series phim trưởng thành theo khán giả”. 3 năm trôi qua trong phim là 6 năm trôi qua ngoài đời, những đứa trẻ 10 tuổi giờ đã 16 sắp ra khỏi cấp 3. Chúng đối diện với nhiều thứ tâm lý phức tạp nhưng cũng lại dễ hiểu khi ta tự tách nó ra thành từng mảnh để phân tích. Chủ đề trưởng thành và thay đổi được nhắc nhiều trong nhân vật Olaf và Anna qua những bài hát ban đầu. Frozen kết thúc với một Happy Ending, nhưng đó không phải là kết thúc cả một cuộc đời con người. Phần 2 này tiếp nối một cách gần như hoàn hảo khi Elsa sợ hãi đánh mất cuộc sống bình yên hiện tại, cuộc sống mà cô cố gắng cả phần 1 để đoạt lại và chấp nhận. Trong nỗi sợ hãi mới, Elsa lại chẳng thể cản lại sự tò mò đơn thuần và khao khát tự do, như bản chất thật sự của cô trong bài Let it go. Chính tôi cũng đã nghĩ Elsa không hề hợp với cung điện nơi vương quốc Arendelle, mà ở nơi cung điện băng cô có thể tự do.

Sự tinh tế của Frozen 2 chính là các bản nhạc đậm chất Musical. Tuy không có bài nào thật sự tạo thành hiện tượng như Let it go (Show Yourself cũng gần rồi nhưng khi ra khỏi rạp, mình chỉ nghe tụi nhỏ ah ah ah nghe vui tai chứ chả ai hát nổi lời, lol), nhưng những bài hát tựa như các thánh ca dự báo cốt truyện. Sự tinh tế trong lời hát cùng âm nhạc da diết, đong đầy nỗi buồn hay tràn đầy nội lực. “All is found”, bài hát ru đầu phim chính là lời cảnh báo cho chính Elsa, “khúc sông” chứa đầy ký ức đáng sợ chính là sức mạnh lưu giữ ký ức của nước, lặn quá sâu để rồi không thể trồi lên. Quả thật là vậy, lẽ ra khi Elsa tới đáy vực, cô ấy đã phải ngừng lại nhưng vì sự tò mò, quá cuốn sâu vào quá khứ mà cuối cùng bị đóng băng.

Đáy vực ấy, chính là quá khứ. Những con người luôn đắm chìm vào quá khứ sẽ đánh mất bản thân mình.

Trong khi Elsa tìm ra sự thật, và dù cho Frozen là bộ phim xoay quanh Elsa tìm ra bản thân đích thực của mình, Anna vẫn không thể thiếu trong hành trình đó. Nếu Elsa lúc nào cũng là người insecure, liều lĩnh, quá đắm chìm vào quá khứ, thì Anna lại là người kéo cô ra khỏi vũng lầy, ngăn cản cô khỏi thực hiện những điều liều lĩnh. Và trên hết, Anna là người giúp Elsa nhớ về bản thân như một con người. Elsa gánh tội lỗi về cái chết của ba mẹ mình, Anna cũng sẵn sàng gánh tội lỗi phá hủy Arendelle để sửa sai lại tội lỗi của ông cha mình. Cứ như một vòng tuần hoàn lẩn quẩn, hi sinh một điều để chỉnh lại quỹ đạo bánh xe vận mệnh. Frozen dám bỏ đi motif tình cảm và hoàng tử, thì Frozen II lại sẵn sàng vứt bỏ đi motif người nhà nhân vật chính lúc nào cũng đúng. Frozen II sẵn sàng nêu ra một chủ đề khó khăn, một câu hỏi chẳng có câu trả lời về tội lỗi chiến tranh, xã hội và con người, nhưng lại như các phim hoạt hình khác, muốn cho phim một cái kết có hậu. Việc Elsa dùng sức mạnh mình để chặn Arendelle bị phá hủy là mắt xích chặt đứt vòng tuần hoàn trong phim, song lại cũng là cách “cheap” nhất chẳng thể áp dụng vào thực tế.

Disney lúc nào cũng vậy. Họ đưa sự thực tế vào phim, rồi giải quyết những mâu thuẫn thực tế ấy bằng sự màu nhiệm. Chính vì thế mà tôi thích phim hoạt hình Disney tới vậy: họ không biến thế giới màu nhiệm của họ trở nên xám xịt như cách mà các anime Nhật hay làm. Thực sự, những ẩn ý của phim về việc đánh cướp đất/tài nguyên của người da đỏ (một phần lớn của lịch sử Mỹ và Canada), tội lỗi chiến tranh, sứ mệnh linh hồn, là những thứ mà mình không ngờ Frozen II sẽ nhắc tới. Nếu rảnh, mọi người nên đọc một số bài phân tích rất hay về phim như là Văn hóa tín ngưỡng Sami bài hát của Olaf về nỗi sợ trưởng thành , ý nghĩa của những bài hát với chủ đề chính là sự đau buồn và cái chết.

Mình có rất nhiều khuất mắc về chuyện Elsa là tinh linh thứ năm vì nó thật sự không make sense lắm. Chẳng hạn nếu vậy thì Tinh linh 5 ngày xưa là mẹ Elsa hay là sao? Vậy thì vì sao bà mẹ không giải thích cho Elsa ngay từ đầu, để cho cô phải sợ hãi chính bản thân? Có rất nhiều thứ cần giải thích về hòn đảo “cội nguồn phép thuật” hay là tộc dân Northuldra để nhấn mạnh chủ đề phân biệt chủng tộc và “sợ hãi sinh ra chiến tranh” của con người. Phim dài thêm 10 phút nữa là ổn, xem cứ vù vù vù =)) Khuất mắc thì nhiều lắm, nhưng nhìn Elsa xinh đẹp vãi lìn thì cũng vứt hết mấy cái plothole ra sau đầu rồi hjhj.

Nói dai dài dở vậy là đủ. Phim bị chỉ trích và cho điểm thấp, nhưng đối với mình, Frozen II hay hơn Frozen rất, rất nhiều khi dám đụng vào những vấn đề xã hội thay vì chỉ tình cảm gia đình và tìm lại bản thân.

Bình luận về bài viết này